Viêm đường hô hấp trên là tình trạng nhiễm trùng các cơ quan của đường hô hấp trên. Đây là tập hợp những bệnh lý thường gặp ở trẻ và thường xuyên tái phát nhiều lần trong năm khiến các bậc cha mẹ hết sức lo lắng. Vậy viêm đường hô hấp trên ở trẻ em gồm những bệnh gì, cách xử lý và chăm sóc cho trẻ như thế nào?
Dựa vào vị trí cấu tạo của các bộ phận trong đường hô hấp, người ta chia thành hai loại là đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Đường hô hấp trên bao gồm: mũi, xoang, tai, hầu, họng và thanh quản. Đường hô hấp dưới gồm khí quản, phế quản và phổi.
Tương tự như vậy, viêm đường hô hấp ở trẻ được chia làm 2 loại là viêm đường hô hấp trên và viêm đường hô hấp dưới.
Trong đó, viêm đường hô hấp trên (tên tiếng anh là URTI) là các bệnh hô hấp phổ biến nhất, là sự nhiễm trùng của bất kỳ bộ phận nào của đường hô hấp trên. Bao gồm cảm lạnh thông thường, viêm mũi, viêm xoang, viêm họng cấp tính, viêm VA, viêm amidan, viêm tai giữa, viêm thanh quản và viêm nắp thanh quản. trong đó viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A và viêm tai giữa có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm hơn cả.
Đường hô hấp trên là những bộ phận đầu tiên tiếp xúc với luồng không khí khi vào cơ thể. Nói cách khác, để cơ thể có thể hít thở thì không khí phải đi qua các cơ quan của đường hô hấp trên đầu tiên. Chính vì lẽ đó, đây được xem là những “nhân tố” phải gánh chịu mọi tác động từ môi trường bên ngoài như khói, bụi, khí lạnh, các loại virus, vi khuẩn, nấm, mốc… Do đó, tỷ lệ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên thường cao hơn rất nhiều so với viêm đường hô hấp dưới.
Mỗi năm, trẻ em dưới 5 tuổi có thể mắc tới 12 lần viêm đường hô hấp. Tần suất này sẽ giảm khi trẻ lớn hơn. Nguyên nhân là do trẻ em dưới 5 tuổi hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện, trẻ dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh như virus, nấm, vi khuẩn…Khi trẻ trên 5 tuổi, hệ miễn dịch đã phát triển tương đối hoàn chỉnh, cơ thể đã có đủ sức để chống lại những tác nhân này, nhờ thế mà trẻ ít bị viêm đường hô hấp hơn.
Nguyên nhân gây viêm đường hô hấp trên ở trẻ chủ yếu là do sự xâm nhập vào lớp niêm mạc hoặc màng nhầy của đường hô hấp trên bởi các loại virus hoặc vi khuẩn gây bệnh. Để có thể xâm nhập vào đây, chúng phải chiến đấu qua hàng loạt các rào cản vật lý và hệ thống miễn dịch.
Đầu tiên là lông mũi, lông mũi hoạt động như một rào cản vật lý và có thể giữ lại các sinh vật xâm nhập. Ngoài ra, chất nhầy ẩm ướt bên trong mũi cũng cũng có thể tiêu diệt virus và vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp trên. Tiếp đó là các sợi lông mao nằm dọc bên khí quản, liên tục di chuyển để đẩy các tác nhân xâm nhập lên hầu họng và nuốt xuống qua đường tiêu hóa.
Ngoài những rào cản vật lý mạnh mẽ này, hệ thống miễn dịch cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh. VA và amidan là hai bộ phận của hệ thống miễn dịch giúp chống lại sự nhiễm trùng. Nó giúp sinh ra các kháng thể tiêu diệt virus và vi khuẩn gây bệnh.
Bất chấp các quá trình bảo vệ này, virus và vi khuẩn vẫn có thể thích ứng với nhiều cơ chế khác nhau để chống lại sự phá hủy và xâm nhập vào cơ thể. Đôi khi, chúng có thể tạo ra độc tố để làm giảm hệ thống phòng thủ của cơ thể hoặc thay đổi hình dạng, ngụy trang để hệ thống miễn dịch không nhận ra. Một số loại vi khuẩn khác có thể tạo ra các yếu tố kết dính cho phép chúng có thể dính vào màng nhầy và không bị tiêu diệt.
Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác cũng khiến trẻ dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên như: Trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, trẻ có hệ miễn dịch kém, trẻ sống trong môi trường vệ sinh kém, thường xuyên hít phải khói, bụi, chất kích thích… và đặc biệt hơn, nguy cơ mắc bệnh ngày càng tăng cao vào mùa đông, khi thời tiết chuyển lạnh.
Cảm lạnh thông thường là một tập hợp các triệu chứng gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau, mà phổ biến nhất là Rhinovirus. Một năm trẻ có thể bị cảm lạnh nhiều lần, thậm chí lên tới 6 hoặc 8 lần, đặc biệt là vào mùa lạnh. Bệnh có thể lây truyền từ trẻ này qua trẻ khác thông qua các giọt bắn khi trẻ nói chuyện, ho, hắt hơi… hoặc sau khi tiếp xúc, đụng chạm trẻ đưa tay lên miệng, mắt, mũi…
Viêm mũi dị ứng là một phản ứng dị ứng của cơ thể với các chất gây dị ứng như phấn hoa, nấm mốc, khói, bụi, lông chó mèo…
Bệnh viêm xoang ở trẻ em thường gặp ở những trẻ dưới 6 tuổi, đặc biệt là những trẻ có sức đề kháng yếu, sống trong môi trường ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với nhiều khói, bụi, khói thuốc lá, những trẻ có cơ địa dị ứng và tiền sử hay mắc các bệnh về đường hô hấp. Đây là tình trạng nhiễm trùng các xoang xung quanh mũi, những xoang này có tác dụng lọc và làm ẩm không khí đi vào mũi và giúp làm nhẹ khối xương ở mặt. Nguyên nhân gây viêm xoang ở trẻ có thể do virus, vi khuẩn hoặc nấm.
VA là một cơ quan đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch, tại đây có chứa rất nhiều tế bào bạch cầu. Khi không khí được hít vào, VA có tác dụng ngăn chặn và tạo ra các kháng thể để tiêu diệt các tác nhân gây bệnh như virus hoặc vi khuẩn. Vì thường xuyên tiếp xúc với virus và vi khuẩn nên VA rất dễ bị chúng tấn công ngược lại và gây viêm, đặc biệt là khi trẻ có sức đề kháng yếu, hoặc vệ sinh răng miệng không sạch sẽ…
Tương tự như VA, amidan cũng có vai trò ngăn chặn sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn và virus, đồng thời tiết ra các kháng thể giúp cơ thể chống lại sự nhiễm trùng. Khi có các yếu tố nguy cơ, amidan bị các virus và vi khuẩn tấn công ngược lại gây nhiễm trùng, từ đó gây ra viêm amidan.
Viêm họng là bệnh lý viêm đường hô hấp trên cực kỳ phổ biến ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân gây viêm họng chủ yếu là do virus (chiếm tới 80%), còn lại là do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng khác. Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ như thời tiết thay đổi, thời tiết quá lạnh, môi trường nhiều khói bụi, khói thuốc lá… cũng khiến cho trẻ dễ bị viêm họng hơn. Có nhiều loại viêm họng và mỗi loại viêm họng sẽ có triệu chứng và cách điều trị khác nhau.
Viêm tai giữa là bệnh lý nhiễm trùng ở tai giữa. Viêm tai giữa thường tiến triển sau một đợt cảm lạnh hoặc sau khi trẻ mắc viêm họng, viêm amidan… Nguyên nhân chủ yếu gây viêm tai giữa ở trẻ là do vi khuẩn, rất ít khi do virus. Những vi khuẩn này đa phần khu trú và sinh sôi bên trong tai giữa hoặc xâm nhập từ bên ngoài cơ thể. Cứ 3 trẻ thì có tới 2 trẻ từng mắc viêm tai giữa khi 1 tuổi, trong 2 năm đầu đời, có tới 20% trẻ em từng bị viêm tai giữa cấp tính.
Viêm thanh quản là tình trạng viêm niêm mạc thanh quản. Bên trong thanh quản có hai dây thanh âm, hai dây này giúp tạo ra giọng nói đặc trưng của mỗi người. Do đó, khi bị viêm thanh quản, dây thanh âm này cũng bị kích ứng từ đó sưng lên, khiến giọng nói của trẻ khàn hơn bình thường, thậm chí có thể không nói thành tiếng. Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này là do virus hoặc do dây thanh âm hoạt động quá mức. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi vì ở độ tuổi này, thanh, khí quản của trẻ còn bé và chưa phát triển hoàn thiện.
Đây là một bệnh lý nguy hiểm xảy ra khi các nắp thanh quản bị viêm. Nắp thanh quản là một miếng sụn nhỏ giúp nắp khí quản lại và ngăn không cho không khí chạy vào phổi. Nguyên nhân gây viêm nắp thanh quản thường gặp nhất ở trẻ em là do vi khuẩn Hib và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
Nói chung, các triệu chứng viêm đường hô hấp trên ở trẻ là do các độc tố từ các mầm bệnh tiết ra cũng như các phản ứng viêm do hệ thống miễn dịch kích hoạt để chống lại sự nhiễm trùng.
Các triệu chứng phổ biến của viêm đường hô hấp trên ở trẻ bao gồm:
Một số các triệu chứng khác ít phổ biến hơn bao gồm:
Các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên thường kéo dài từ 3 đến 14 ngày. Nếu các triệu chứng kéo dài hơn 14 ngày rất có thể đó không phải là viêm đường hô hấp trên mà là các bệnh lý về đường hô hấp khác.
Viêm họng do liên cầu khuẩn Streptococcus nhóm A có thể kèm theo các triệu chứng như họng có hạt hoặc mủ trắng. Viêm nắp thanh quản có thể khởi phát đau họng đột ngột, cảm giác như có khối u trong cổ họng, giọng nói bị bóp nghẹt, ho khan, nuốt rất đau và chảy nước dãi.
Các nhiễm trùng đường hô hấp ở phần dưới của đường hô hấp trên, chẳng hạn như viêm thanh quản, thường đặc trưng với tình trạng ho khan, khàn giọng hoặc mất tiếng. Ho ông ổng, nôn mửa có thể là dấu hiệu của ho gà.
Hầu hết các trường hợp viêm đường hô hấp trên ở trẻ là do virus gây ra, vì thế không có biện pháp điều trị đặc hiệu. Cha mẹ có thể điều trị cho trẻ bằng các phương pháp chăm sóc tại nhà như:
Cho bé nghỉ ngơi: nghỉ ngơi là một bước quan trọng trong điều trị viêm đường hô hấp trên ở trẻ.
Tăng cường cho bé uống nước để bù lại lượng nước đã mất đi do sốt, sổ mũi, và lười ăn.
Điều trị các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên bằng một số loại thuốc như:
Ngoài việc điều trị bằng thuốc thì một số phương pháp chăm sóc tại nhà có thể giúp làm giảm các triệu chứng viêm đường hô hấp trên:
Trên đây là những kiến thức mà cha mẹ cần có về viêm đường hô hấp trên ở trẻ em. Hầu hết các trường hợp viêm đường hô hấp trên ở trẻ em không quá nguy hiểm và có thể tự khỏi bằng cách chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên không phải vì vậy mà cha mẹ chủ quan không điều trị cho bé vì vẫn có những trường hợp viêm đường hô hấp trên ở trẻ tương đối nguy hiểm và dễ dẫn đến biến chứng khi không điều trị sớm. Khi thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường, hãy đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị nhé.