Nghẹt mũi rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy tình trạng này không quá nghiêm trọng nhưng nghẹt mũi lại có thể khiến bé khó chịu, đặc biệt là trong lúc bú và trong khi ngủ. Do đó, khám phá ra được các nguyên nhân khác nhau gây ra nghẹt mũi ở trẻ và có những biện pháp khắc phục kịp thời sẽ giảm bớt được sự khó chịu của bé. Vậy trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi nguyên nhân do đâu và trẻ sơ sinh bị ngạt mũi phải làm thế nào?
Nghẹt mũi (hay còn gọi là ngạt mũi, tịt mũi) không phải là một bệnh lý, nó chỉ là một triệu chứng của một hoặc nhiều bệnh lý.
Vì khi trẻ nghẹt mũi thường kèm theo nước mũi nhầy nên nhiều người thường cho rằng nghẹt mũi là do phần dịch nhầy này gây ra. Nhưng điều này thực chất không chính xác. Nghẹt mũi xảy ra khi lớp niêm mạc lót trong mũi bị sưng lên do các mạch máu trong mũi bị viêm.
Trong bầu không khí chúng ta hít thở hàng ngày có chứa nhiều tạp chất như các chất ô nhiễm, khói hóa học, bụi, phấn hoa, bào tử nấm mốc, vi trùng… Mũi của chúng ta hoạt động như một bộ lọc, bất cứ thứ gì lọt vào mũi mà hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận định nó là “tác nhân” xâm nhập, sẽ giải phóng ra một hợp chất gọi là histamin.
Histamin làm tăng đột ngột lưu lượng máu đến mũi, gây sưng và nghẹt các mô mũi. Tình trạng sưng tấy này sẽ kích thích màng mũi tiết ra nhiều chất nhầy, do đó chất nhầy được sinh ra nhằm mục đích “đào thải” những thứ mà cơ thể muốn loại bỏ.
Vì nghẹt mũi chỉ là một triệu chứng mà không phải bệnh lý, nên nó không quá nghiêm trọng nếu chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, ngạt mũi kéo dài có thể là dấu hiệu của một bệnh lý hoặc tình trạng khác nghiêm trọng hơn.
Trẻ sơ sinh về cơ bản là sẽ “thở bằng mũi”, vì thế trẻ sẽ nhanh chóng cảm thấy khó chịu nếu ngạt mũi nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến khả năng thở bằng mũi của trẻ. Đôi khi trẻ sơ sinh khó thở do nghẹt mũi sẽ khiến bé bú không đúng cách, điều này càng khiến bé khó chịu
Các vấn đề về thính giác và chậm nói có thể xảy ra do trẻ bị viêm tai giữa tái đi tái lại. Nguyên nhân thường liên quan đến việc trẻ bị nghẹt mũi kéo dài (do dị ứng, do các bệnh mãn tính khác hoặc do phì đại tuyến lệ).
Xem thêm: Cách Trị Đờm Lâu Ngày Giúp Bé Hết Khò Khè Ngay Tại Nhà
Nghẹt mũi có thể do nhiều rối loạn khác nhau gây ra, những lý do phổ biến gây ngạt mũi ở trẻ sơ sinh có thể là do:
Trẻ sơ sinh có mũi nhỏ, đường mũi hẹp và rất nhạy cảm với không khí khô. Khi tiếp xúc với luồng không khí khô (nhất là vào thời điểm mùa đông), sẽ làm khô dịch mũi của trẻ, từ đó dẫn đến việc trẻ có tiếng thở “ồn ào”. Trên thực tế, mặc dù tình trạng này không hẳn là nghẹt mũi nhưng vẫn thường bị nhầm là nghẹt mũi.
Khi trẻ lớn hơn thì mũi của trẻ cũng sẽ lớn hơn. Miễn là bé vẫn khỏe mạnh và việc bú sữa của bé không bị ảnh hưởng thì cha mẹ không cần điều trị.
Sử dụng nước muối sinh lý nhỏ mũi cho bé có thể hữu ích để làm ấm đường mũi của trẻ, giúp làm sạch chất tiết.
Sử dụng máy tạo độ ẩm không khí trong các tháng hanh, khô (đặc biệt là mùa đông) có thể giúp giảm nghẹt mũi đồng thời giảm bớt sự ngột ngạt. Hãy giữ máy tạo độ ẩm sạch sẽ để ngăn ngừa nấm phát triển. Đây được coi là một biện pháp hữu ích cho trẻ sơ sinh ngạt mũi vào ban đêm.
Các chất gây kích ứng như gió, bụi, khói thuốc lá, khói hóa chất… đều có thể gây kích ứng các niêm mạc mỏng manh trong mũi của bé. Điều này sẽ dẫn đến nghẹt mũi và trẻ sẽ chảy nước mũi trong.
Trong trường hợp này, cách trị ngạt mũi ở trẻ sơ sinh đó là cha mẹ có thể sử dụng thuốc nhỏ mũi có thành phần là nước mũi sinh lý để giúp bé làm thông mũi và giảm kích ứng.
Nghẹt mũi và chảy nước mũi là các triệu chứng phổ biến của các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp trên, phổ biến nhất là cảm lạnh hoặc cảm cúm.
Do hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện, cảm lạnh và cúm rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Một em bé có khả năng bị cảm lạnh từ 6 đến 10 lần trong năm đầu đời. Cảm lạnh và cảm cúm do nhiều loại virus gây ra, một số virus có thể lây truyền từ người này sang người khác qua đường không khí, nhưng hầu hết chúng đều có thể lây truyền từ việc tiếp xúc từ tay đến mũi.
Cảm lạnh phổ biến hơn nhiều so với cảm cúm và thường dễ dàng bị nhầm lẫn với nhau. Tuy nhiên, cảm lạnh ít nghiêm trọng hơn cảm cúm và các triệu chứng cũng ít nghiêm trọng hơn. Cảm lạnh tuy không quá ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, nhưng đôi khi cảm lạnh cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng thứ phát ở tai giữa hoặc xoang. Khi đó, trẻ sẽ phải được điều trị bằng kháng sinh.
Các triệu chứng của cảm cúm khiến cơ thể mệt mỏi và suy nhược nhiều hơn so với cảm lạnh với các triệu chứng như: đau đầu, sốt, đau nhức mỏi cơ, chán ăn lười ăn và cảm thấy mệt mỏi. Cảm cúm có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị sớm như viêm phổi.
Cách trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh khi bé bị cảm lạnh hoặc cảm cúm đó là hãy xác định được chính xác bé bị cảm lạnh hay cảm cúm, nếu mẹ không chắc chắn hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để từ đó có biện pháp điều trị cho phù hợp.
Sử dụng thuốc nhỏ mũi chứa nước muối sinh lý 0,9% để rửa mũi cho trẻ, hoặc dùng dụng cụ hút mũi để làm sạch chất tiết và thông thoáng đường thở.
Dù bé không muốn ăn nhưng hãy cố gắng khuyến khích bé uống thêm nhiều chất lỏng.
Tình trạng ngạt mũi thường nặng hơn ở tư thế nằm, vì vậy, hãy giữ cho bé ở tư thế bán thẳng đứng bằng cách kê cao phần trên của đệm.
Khuyến khích cả gia đình rửa tay thường xuyên khi chăm sóc bé để giảm nguy cơ lây bệnh cho các thành viên khác trong gia đình.
Xem thêm: Cách Hút Đờm Cho Trẻ Sơ Sinh & Lưu Ý Khi Thực Hiện
Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi là triệu chứng phổ biến của phản ứng dị ứng. Viêm mũi dị ứng theo mùa là phản ứng dị ứng của cơ thể với các chất có trong không khí, ví dụ như phấn hoa có thể xâm nhập vào mũi, xoang, cổ họng và mắt của trẻ.
Mặc dù viêm mũi dị ứng có thể phổ biến hơn vào mùa xuân hoặc mùa hè, nhưng nó cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào do phản ứng với những thứ khác có trong không khí, ví dụ như nấm mốc, lông tơ, bụi… Hoặc ít phổ biến hơn, nghẹt mũi có thể xảy ra do trẻ có phản ứng với các “chất gây dị ứng” có trong sữa, thực phẩm hoặc thuốc.
Nếu không được điều trị, các triệu chứng có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng.
Nếu trẻ bị dị ứng do thức ăn hoặc sữa, các triệu chứng khác có thể bao gồm:
Khi trẻ sơ sinh bị ngạt mũi do dị ứng, cha mẹ trước hết phải tìm ra được nguyên nhân gây dị ứng ở trẻ, từ đó có các biện pháp phòng tránh.
Thuốc kháng histamin có thể làm giảm phản ứng dị ứng của cơ thể. Mặc dù có nhiều loại thuốc kháng histmin nhưng không phải loại nào cũng có thể sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do đó, hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu bé có bất kỳ triệu chứng dị ứng nào.
Amidan và VA là 2 mô tuyến gần lối vào của đường thở. Cha mẹ có thể dễ dàng nhìn thấy amidan của bé nhưng VA nằm ở phía sau mũi nên không thể nhìn thấy trực tiếp. Amidan và VA là một phần của cơ thể giúp chống lại sự nhiễm trùng. Chúng giúp ngăn chặn không cho virus và vi khuẩn xâm nhập qua mũi và cổ họng, tạo ra kháng thể để chống lại sự nhiễm trùng. Đôi khi, amidan và VA có thể bị nhiễm trùng do vi trùng mà chúng đang cố gắng loại bỏ. Khi đó amidan hoặc VA sẽ trở nên sưng lên và gây đau.
Viêm VA có thể gây nghẹt mũi, hoặc nghiêm trọng hơn có thể gây nghẹt mũi hoàn toàn.
Phương pháp điều trị duy nhất do tình trạng viêm VA ở trẻ là phẫu thuật cắt bỏ nó. Cắt bỏ VA là thủ thuật đơn giản và không ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau này. Vì thế khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu viêm VA, hãy đưa trẻ đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị thích hợp nhất.
Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi rất có thể nguyên nhân là do dị vật. Trẻ nhỏ rất tò mò và thi thoảng trẻ sẽ đưa những đồ vật nhỏ như hạt cườm, hạt đậu, quả hạch, cúc áo…vào mũi. Khi đó cha mẹ rất khó phát hiện được vấn đề cho đến khi trẻ xuất hiện các triệu chứng.
Để giải quyết tình trạng này, chắc chắn cha mẹ phải loại bỏ dị vật khỏi mũi của trẻ. Nhưng không phải lúc nào cũng là một việc dễ dàng. Cha mẹ có thể thử bằng cách sử dụng thuốc nhỏ mũi có thành phần là nước muối sinh lý và máy hút mũi cho trẻ sơ sinh để hút dị vật ra. Tuyệt đối không chọc dị vật bằng nhíp hoặc bất cứ thứ gì khác vì có thể đẩy dị vật ra xa hơn. Nếu không thể lấy dị vật ra ngoài tại nhà, cha mẹ hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
Nếu sau khi lấy được dị vật ra mà bé tiết ra dịch có mùi hôi, hãy cho trẻ thuốc nhỏ mũi hoặc thuốc mỡ kháng sinh nhé.
Xem thêm: Có Nên Lấy Gỉ Mũi Cho Trẻ Sơ Sinh và Cách Lấy Như Nào?
Hầu hết các trường hợp ngạt mũi ở trẻ sơ sinh tương đối nhẹ và sẽ hết trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu tình trạng tắc nghẽn trở nên nghiêm trọng hoặc kéo dài hoặc ảnh hưởng đến khả năng thở của bé:
Trên đây là những nguyên nhân và cách xử trí khi trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi. Nghẹt mũi thường gặp ở trẻ sơ sinh và chỉ kéo dài vài ngày nên cha mẹ không cần quá lo lắng, chỉ cần thường xuyên vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý là bé có thể cải thiện nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu tình trạng này trầm trọng và kéo dài hơn, ảnh hưởng đến việc bú và ngủ của bé, hoặc trẻ có những biểu hiện khác liên quan đến đường thở, hãy đưa trẻ đến gặp các bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nhé.