Nội dung chính

Trẻ bị táo bón lâu ngày phải làm sao?

Trẻ bị táo bón lâu ngày ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống và sức khỏe. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến các mẹ những thông tin cần biết về tình trạng này. Cùng theo dõi nhé!

>> Xem thêm: Các mức độ táo bón ở trẻ và cách xử lý an toàn, hiệu quả

Trẻ bị táo bón lâu ngày phải làm sao?
Ét O Ét: Trẻ bị táo bón lâu ngày phải làm sao?

Trẻ bị táo bón lâu ngày diễn ra trong độ tuổi nào?

Táo bón là bệnh lý tiêu hóa phổ biến ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, táo bón kéo dài nhiều ngày lại là một vấn đề nghiêm trọng hơn. Biết rõ độ tuổi con dễ mắc táo bón sẽ giúp cha mẹ chủ động phòng ngừa tình trạng này hơn.

Trẻ dưới 6 tháng tuổi

Táo bón xảy ra khi trẻ phải uống sữa ngoài, vì nhiều lý do. Sữa ngoài có chứa nhiều thành phần đạm casein nhiều hơn so với sữa mẹ. Thành phần này có trọng lượng phân tử lớn, rất khó tiêu và hấp thụ nên khiến trẻ bị táo bón kéo dài.

Thêm vào đó, lý do trẻ bị táo bón lâu ngày còn bắt nguồn từ sai lầm của mẹ khi pha sữa cho con. Nhiều bà mẹ có suy nghĩ pha sữa đặc để bé hấp thu được nhiều dinh dưỡng và nhanh tăng cân. Điều này có thể khiến bé bị thiếu nước, dẫn đến khó tiêu, táo bón.

Trường hợp trẻ dưới 6 tháng tuổi bú mẹ hoàn toàn nhưng vẫn bị táo bón thì nguyên nhân đến từ chế độ ăn của mẹ. Mẹ trong giai đoạn cho con bú nếu ăn quá nhiều thực phẩm dầu mỡ, cay, nóng, chất béo, chất đạm, nhưng lại lười ăn rau có thể gia tăng nguy cơ táo bón ở cả mẹ và con.

Trẻ dưới 6 tháng tuổi bị táo bón
Trẻ dưới 6 tháng tuổi bị táo bón

Trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi

Trong độ tuổi này, bé yêu có bước “nhảy vọt” lớn về dinh dưỡng, cũng như sự phát triển. Lúc này, hầu hết các bé đã bắt đầu tập tành với thức ăn thô, có kết cấu. Trong khi đó, hệ tiêu hóa của bé vẫn chưa hoàn chỉnh nên đôi lúc sẽ gặp phải những trục trặc không đáng có. Một trong những rối loạn thường gặp đó là trẻ bị táo bón lâu ngày.

Trẻ 8 tháng bị táo bón – Mách mẹ cách xử lý hiệu quả

Trẻ từ 1 – 3 tuổi

Giai đoạn này, trẻ sẽ chuyển dần từ chế độ ăn dạng lỏng sang tập ăn những món thô hơn. Hệ tiêu hóa của trẻ cần có thời gian để làm quen nên mới đầu trẻ có thể bị chướng bụng, đầy hơi và táo bón.

Bên cạnh đó, từ 1 – 3 tuổi, trẻ bước vào giai đoạn “khoảng trống miễn dịch”, đề kháng kém nên nhu cầu dùng thuốc kháng sinh cũng gia tăng. Việc sử dụng nhiều kháng sinh có thể dẫn đến tình trạng mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, khiến trẻ bị táo bón lâu ngày.

Trẻ bị táo bón lâu ngày có sao không?

Bé bị táo bón lâu ngày có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Cụ thể như sau:

Tích tụ độc tố trong cơ thể

Thức ăn nạp vào cơ thể sẽ được hấp thụ chất dinh dưỡng, còn cặn bã sẽ được đào thải ra ngoài mỗi ngày. Nếu trẻ bị táo bón kéo dài, những chất thải đó sẽ bị tích tụ, dẫn đến tồn đọng độc tố, ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể.

Nguy cơ mắc trĩ nội, trĩ ngoại

Trẻ bị táo bón lâu ngày còn có nguy cơ mắc bệnh trĩ. Mỗi lần đi đại tiện, trẻ sẽ cố gắng rặn. Điều này gây áp lực lớn trong ổ bụng, khiến búi trĩ dần hình thành sau mỗi lần đi tiêu.

Trẻ táo bón kéo dài có nguy cơ mắc trĩ nội, trĩ ngoại
Trẻ táo bón kéo dài có nguy cơ mắc trĩ nội, trĩ ngoại

Gây nứt hậu môn

Đây là hậu quả đáng ngại nhất ở bé bị táo bón lâu ngày không đi ngoài được. Nguyên nhân khiến trẻ táo bón bị nứt hậu môn là do phân tích tụ lâu ngày, chúng sẽ trở nên to dần, rắn và khô cứng hơn. Trong khi đó, độ giãn nở của hậu môn bé có hạn. Nếu trẻ cố rặn sẽ gây tổn thương hậu môn, dẫn đến đau và chảy máu.

Cảm giác đau đớn khi đi ngoài

Trẻ táo bón lâu ngày còn kèm theo cảm giác đau đớn mỗi khi đi ngoài. Vì điều này, trẻ có tâm lý nhịn đi cầu, khiến táo bón ngày càng nặng nề hơn.

Ảnh hưởng tâm lý

Táo bón kéo dài khiến trẻ đầy bụng, khó tiêu, ăn uống không ngon, mất ngủ. Chưa kể, mỗi lần đi đại tiện lại khiến bé đau đớn, sợ hãi. Vì vậy, trẻ bị táo bón lâu ngày thường có xu hướng nhịn đi cầu, thậm chí là lười ăn để không phải đi ngoài.

Trẻ bị táo bón kéo dài ảnh hưởng đến tâm lý
Trẻ bị táo bón kéo dài ảnh hưởng đến tâm lý

Tắc ruột

Chất thải ứ đọng trong trực tràng lâu ngày sẽ trở nên rắn và khô, dẫn đến tình trạng tắc ruột. Với các triệu chứng điển hình như ít xì hơi, chướng bụng, đau bụng từng cơn.

Tăng áp lực trong ruột

Trẻ bị táo bón kéo dài dễ có nguy cơ giãn và suy yếu ruột, tạo thành các túi thừa đại tràng, dẫn đến thủng ruột.

Trẻ bị táo bón lâu ngày phải làm sao?

Trẻ bị táo bón cần được điều trị càng sớm, càng tốt. Dưới đây là một số cách trị táo bón cho trẻ, mẹ hãy tham khảo nhé!

Chế độ dinh dưỡng phù hợp

Chế độ ăn của trẻ bị táo bón cần đảm bảo:

  • Ăn đa dạng các loại thực phẩm, trong đó chú ý bổ sung đủ chất xơ để hỗ trợ tiêu hóa
  • Hạn chế cho bé ăn quá nhiều tinh bột như cơn trắng. Thay vào đó nên cho trẻ ăn ngũ cốc, gạo nguyên cám, yến mạch,…
  • Đảm bảo nhu cầu nước cho trẻ mỗi ngày. Mẹ nên cho trẻ uống nước lọc, nước sinh tố, thay vì nước ngọt đóng chai hay nước có gas
Bổ sung chất xơ cho trẻ
Bổ sung chất xơ cho trẻ

Điều chỉnh hành vi, tâm lý của trẻ

Để đẩy lùi, cũng như ngăn ngừa táo bón kéo dài, ngoài thay đổi chế độ ăn uống, trẻ cần được điều chỉnh hành vi, tâm lý. Đây là điều vô cùng quan trọng để giúp trẻ thoải mái và không trốn tránh mỗi lần đi ngoài.

  • Hướng dẫn bé ngồi bô đúng tư thế, không đọc truyện, nghịch điện thoại hay làm bất cứ việc riêng khi đi ngoài
  • Tập cho bé thói quen đi đại tiện vào một khung giờ cố định trong ngày, tốt nhất là vào buổi sáng, tránh trẻ lười nhịn đi
  • Cha mẹ nên giải thích và động viên khi trẻ bị táo bón lâu ngày, tránh tâm lý sợ hãi, căng thẳng sẽ khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn
  • Khuyến khích bé uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh và các thực phẩm bổ sung lợi khuẩn, chẳng hạn như sữa chua

Massage bụng cho bé

Một trong những phương pháp đơn giản để cải thiện tình trạng táo bón ở trẻ đó chính là massage bụng. Massage bụng mang đến nhiều tác dụng cho trẻ: kích thích ăn ngon, thư giãn tinh thần, tốt cho giấc ngủ và hoạt động của tiêu hóa.

Cách thực hiện như sau:

  • Đặt trẻ nằm ngửa, dùng 2 ngón tay trỏ và giữa ấn nhẹ và xoa vùng rốn ở trẻ
  • Sau đó di chuyển ngón tay xoay vòng theo chiều kim đồng hồ, mở rộng dần ra tạo thành vòng tròn lớn
  • Thực hiện massage cho bé khoảng 10 – 15 phút
Massage bụng cho bé
Massage bụng cho bé

Tập cho trẻ vận động nhiều hơn

Trẻ bị táo bón lâu ngày sẽ đi ngoài dễ dàng hơn nếu được vận động thường xuyên. Đối với trẻ sơ sinh, mẹ có thể hỗ trợ trẻ vận động bằng một số bài tập như vươn vai, nắn tay, nắn chân, “đạp xe”. Còn với trẻ từ 1 tuổi trở lên, phụ huynh có thể cùng bé tham gia các hoạt động ngoài trời như đi bộ, đạp xe,… vừa nâng cao sức khỏe, vừa tạo tâm lý vui vẻ và cải thiện đường tiêu hóa.

Trên đây là một số thông tin về trẻ bị táo bón lâu ngày. Cha mẹ không nên nóng vội khi trẻ bị táo bón. Hãy bình tĩnh, tìm kiếm cách xử lý phù hợp, tuyệt đối không cho trẻ sử dụng các loại thuốc nhuận tràng, thuốc xổ khiến trẻ bị phụ thuộc.

Chia sẻ bài viết này