Nội dung chính

Trẻ mấy tháng biết lật? Điều mẹ cần biết để con tăng tốc

Lẫy là cột mốc phát triển quan trọng của trẻ sơ sinh. Đó là bước tạo đà cho kỹ năng vận động, giúp trẻ biết ngồi, bò, đi đứng dễ dàng hơn. Vậy nên trẻ mấy tháng biết lật là vấn đề được bố mẹ rất quan tâm. Bài viết dưới đây sẽ giúp các mẹ giải đáp băn khoăn này!

Trẻ sơ sinh mấy tháng biết lật?

Thật hạnh phúc khi chứng kiến con yêu ngày một lớn lên trong vòng tay của bố mẹ. Nhất là trong những thời khắc quan trọng của cuộc đời trẻ, khi bé biết cười, biết lẫy, biết bò, biết đi đứng,…

Trong đó, lẫy được coi là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu mốc phát triển của kỹ năng vận động tự lập. Lẫy là giai đoạn trẻ biết chuyển người từ ngửa thành úp, có thể xoay quanh một vị trí, lùi người về trước và sau. Ở cột mốc quan trọng này, mối liên kết giữa não và cơ quan khác trong cơ thể được hình thành. Đồng thời, hai phần phải trái của cơ thể bé cũng bắt đầu chịu trách nhiệm chi phối khả năng vận động.

Không những thế, lẫy còn hỗ trợ tốt hơn cho những cột mốc phát triển tiếp theo của bé, như học bò, ngồi, đi đứng. Lúc này, bé có thể quan sát được mọi thứ xung quanh theo góc nhìn hoàn toàn mới, rộng hơn.

Lẫy là cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ
Lẫy là cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ

Vậy trẻ mấy tháng biết lật? – Ông cha ta có câu: “3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi”. Tuy nhiên, mỗi trẻ là một cá thể riêng biệt và duy nhất. Do đó, mốc phát triển của mỗi bé cũng không giống nhau. Tức, có trẻ biết lật sớm, nhưng cũng có trẻ lẫy muộn hơn thời điểm trung bình.

3 tháng tuổi là thời điểm trung bình trẻ có thể biết lật. Lúc này, cổ, tay và các cơ hỗ trợ cho hoạt động này đã cứng cáp và hoàn toàn sẵn sàng cho bước chuyển mình quan trọng này. Khi bé đủ chắc, trẻ có thể tự lẫy và trườn người được.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, sự phát triển của mỗi bé là khác nhau, có trẻ sẽ lẫy sớm và cũng có trẻ sẽ lẫy muộn. Vì thế khi thấy con đã 3 tháng tuổi mà chưa có dấu hiệu lẫy thì mẹ cũng đừng quá lo lắng. Rất nhiều trường hợp trẻ bỏ qua cột mốc này và chuyển luôn sang giai đoạn tập ngồi và bò.

Trẻ mấy tháng biết ngồi? Có nên cho trẻ tập ngồi sớm?

Dấu hiệu nhận biết bé sẵn sàng học lẫy

Do khả năng phát triển ở mỗi bé là khác nhau, nên rất khó để mẹ có thể xác định được mấy tháng bé biết lật. Vì vậy, cách duy nhất để mẹ xác định thời điểm bé lẫy là dựa trên những dấu hiệu nhận biết bé đã sẵn sàng cho việc này.

  • Dấu hiệu thứ 1: Đây là tín hiệu đầu tiên của bé giúp mẹ giải đáp thắc mắc “trẻ sơ sinh mấy tháng biết lật”. Cụ thể như sau, khi bố mẹ đặt bé nằm sấp, trẻ có thể tự nâng đầu dậy. Đồng thời, hai tay có hành động chống đỡ như muốn giữ đầu và cổ vươn lên ở vị trí bé muốn. Hành động này cho thấy, cơ ngực và lưng của trẻ đã khá cứng cáp, chịu được trọng lượng của đầu và cổ
  • Dấu hiệu thứ 2: Bên cạnh đó, để biết trẻ mấy tháng biết lẫy, mẹ có thể quan sát những dấu hiệu khi đặt bé nằm sấp. Trẻ có động tác quơ hai tay sang bên giống như thao tác bơi. Hoặc trẻ đang có xu hướng nhích người về phía trước và hai bên
  • Dấu hiệu thứ 3: Khi quen với việc nằm úp, mẹ đặt bé nằm ngửa trở lại, bé sẽ có hành động đưa chân lên trên đưa qua đưa lại. Bé sẽ cố dùng tay để chạm lấy chân mình.Dấu hiệu thứ 4: Bé có biểu hiện thích với việc nằm nghiêng sang một bên. Đây là một trong những tín hiệu cho thấy não bé dần ý thức được với việc tập lẫy và sẵn sàng thực hiện nó
Dấu hiệu trẻ sẵn sàng học lẫy
Dấu hiệu trẻ sẵn sàng học lẫy

Khi thấy trẻ có những dấu hiệu trên, bố mẹ hãy hỗ trợ bé học lẫy. Bởi dù gì đây cũng là cột mốc quan trọng trong sự phát triển của trẻ, nếu bé được trải qua sẽ có lợi cho khả năng vận động của trẻ.

Tập lẫy cho trẻ sao cho đúng?

Lẫy là hành động bản năng, tức là đến đúng giai đoạn phát triển đó, trẻ hoàn toàn có thể tự lẫy. Thế nhưng, nếu trước đó, trẻ có sự hỗ trợ của bố mẹ, quá trình học lẫy của trẻ sẽ được tăng tốc và nhanh tiến tới cột mốc phát triển khác hơn.

Dạy trẻ tập lẫy
Dạy trẻ tập lẫy

Do đó, nếu biết được trẻ mấy tháng biết lật hoặc quan sát thấy dấu hiệu trẻ sẵn sàng tập kỹ năng này, bố mẹ hãy dạy trẻ một số “bài học” sau đây để kích thích trẻ:

  • Vào thời điểm trẻ có hành động giơ 2 chân lên đung đưa hai bên, bố mẹ hãy trợ giúp trẻ bằng cách ủn nhẹ vào mông để trẻ tạo đà cho trẻ lật người lại dễ dàng hơn
  • Giai đoạn trẻ bắt đầu tập lẫy, nhiều bé lật người thường tỳ lên tay của mình và gặp rất nhiều khó khăn để rút tay ra. Do vậy, bố mẹ hãy chú ý theo dõi để hỗ trợ bé kịp thời
  • Trước giai đoạn biết lật, nhiều bé rất thích nằm nghiêng về một bên. Đây là dấu hiệu khởi đầu cho thấy quá trình học lẫy đã có sự tiến bộ. Lúc này, bố mẹ hãy hỗ trợ bé bằng cách nâng đỡ lưng trẻ và dùng lực tay đẩy bé nhẹ nhàng về bên còn lại
  • Khi bé đã có thể nằm ở tư thế sấp, bố mẹ hãy thường xuyên chơi đùa cùng con, thu hút sự chú ý của bé bằng những món đồ hoặc tìm đủ mọi chiêu trò để khuyến khích trẻ dịch chuyển sang các phía
  • Hoặc một cách tập lẫy cho trẻ khác đó là, để bé nằm ngửa trên giường, bố mẹ dần di chuyển xuống dưới chân trẻ. Sau đó, nhắc từ từ hai chân của trẻ lên một cách nhẹ nhàng để phần bụng, vai và cổ trẻ có thể xoay một cách dễ dàng. Nhờ đó, trẻ có thể thích nghi dần với hành động lẫy cũng như biết cách nghiêng người

Những lưu ý khi trẻ tập lẫy

Những lưu ý khi trẻ tập lẫy
  • Để giúp trẻ biết lẫy trong độ tuổi quy định, bố mẹ cần rèn cho bé những bài tập phát triển cơ. Bằng cách cho bé nằm sấp mỗi ngày theo phương pháp tummy times. Bài học này rất quan trọng giúp cơ cổ, đầu và lưng của bé cứng cáp hơn
  • Khi tập lẫy cho trẻ, mẹ hãy để bé nằm trên sàn với không gian rộng rãi, thoải mái để bé có thể tha hồ khám phá
  • Mẹ có thể nằm nghiêng người cùng bé và quan sát bé lật người tiến gần hơn với mẹ. Lúc này, mẹ hãy khích lệ bằng cách vỗ tay để bé cảm thấy có hứng thú
  • Những cú lật người của bé có thể đến rất bất ngờ mà không báo trước. Do đó, khi trẻ từ tháng thứ 3 trở đi, mẹ tuyệt đối không được để bé nằm giường một mình, nằm trên ghế sofa hoặc trên bề mặt cao. Mẹ luôn đặt ra câu hỏi, bé nằm đó có an toàn không? bé nghịch ngợm  vặn người có ngã không? Bởi chỉ cần 1 cú lật người của bé có thể biến thành tai nạn
  • Mẹ lưu ý không nên cho trẻ tập lẫy trong thời gian dài. Nên chia nhỏ thời gian tập trong ngày từ 5 – 10 lần, mỗi lần chỉ luyện tập 2-3 phút
  • Mẹ không được cho trẻ lẫy khi vừa ăn no xong. Bởi hành động lẫy có thể ảnh hưởng xấu tới dạ dày cũng như quá trình tiêu hóa thức ăn, khiến bé bị chướng bụng, khó tiêu
  • Khi tập lẫy, nếu mẹ quan sát thấy trẻ có những dấu hiệu không thoải mái hoặc mệt mỏi, quấy khóc, mẹ hãy lật người bé trở lại. Nếu cưỡng ép, trẻ sẽ hình thành tâm lý phản kháng với việc tập lẫy

Trên đây là lời giải đáp trẻ mấy tháng biết lật. Qua đây, bố mẹ cũng không nên quá áp lực về vấn đề này. Thay vào đó hãy quan sát biểu hiện của con, hỗ trợ và động viên trẻ kịp thời để mau biết lật.

Chia sẻ bài viết này